Trong thời gian vừa qua thì có thể thấy giá thịt lợn hơi ở trên thị trường trong nước liên tục có xu hướng tăng đã góp phần hỗ trợ cho người nuôi phần nào trong bối cảnh nhiều thách thức như hiện nay. Hãy cùng Đức Minh Feed tìm hiểu về biến động và dự đoán xu thế của ngành chăn nuôi lợn trong 6 tháng cuối năm 2024 dưới bài viết này nhé!
Chu kỳ biến động giá thịt lợn
Trong 4 tháng đầu năm, giá lợn hơi trong nước tăng mạnh. Đến tháng 4/2024, giá dao động quanh mức 60.000-64.000 đồng/kg, tăng 3.000-5.000 đồng/kg so với cuối tháng 3. Sang đầu tháng 5/2024, giá tiếp tục nhích lên 62.000-65.000 đồng/kg, tăng nhẹ 2.000-4.000 đồng/kg so với cuối tháng 4.
Theo Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), ngày 11/6, giá lợn hơi ở miền Bắc tăng thêm 1.000-2.000 đồng/kg, dao động từ 68.000-71.000 đồng/kg, với Thái Bình ghi nhận mức cao nhất 71.000 đồng/kg. Hà Nam có giá 69.000 đồng/kg, trong khi các nơi khác duy trì mức 68.000-70.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, giá lợn hơi giảm 1.000 đồng/kg, dao động từ 67.000-70.000 đồng/kg, Long An có giá cao nhất là 70.000 đồng/kg.
Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi giảm nhẹ, dao động từ 65.000-69.000 đồng/kg, với Đắk Lắk thấp nhất 65.000 đồng/kg.
Các chuyên gia cho rằng, nguồn cung giảm sau đợt Dịch tả lợn châu Phi cuối năm 2023 là nguyên nhân chính đẩy giá lên. Một số nông dân ghim hàng, tạo khan hiếm giả, góp phần làm giá tăng. Giá lợn hơi hiện nay dao động từ 62.000-65.000 đồng/kg, mức giá này được xem là hợp lý để người chăn nuôi lấy lại cân bằng sau thời gian khó khăn.
Dự đoán giá lợn tăng là tất yếu theo quy luật thị trường
Theo nhiều chuyên gia, giá thịt lợn hơi có thể tiếp tục tăng và sẽ ổn định trong các tháng hè khi nhu cầu giảm. Dự báo giá lợn hơi đến cuối năm sẽ tăng nhẹ, dao động từ 65.000-69.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi vì chi phí chăn nuôi trung bình khoảng 50.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, việc nhiều người giữ lợn chờ giá cao hơn có thể gây khủng hoảng thiếu giả và đẩy giá lên cao. Để tránh mất cân bằng, các chuyên gia chăn nuôi cũng khuyến nghị doanh nghiệp và người chăn nuôi thận trọng trong tái đàn và xuất bán lợn.
Hiện tại, người chăn nuôi có lợi nhuận nhưng vẫn do dự trong việc tái đàn vì chi phí cao, khó khăn trong việc chủ động con giống và thức ăn, cùng với lo ngại về dịch tả lợn châu Phi.
Nắm bắt thời cơ, “tái đàn đúng thời điểm”
Trong khi các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thận trọng tái đàn, các doanh nghiệp lớn lại tăng đàn nái và liên kết với nông dân.
Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Dabaco, cho biết chi phí nuôi lợn của Tập đoàn là 48.000-51.000 đồng/kg, trong khi kế hoạch kinh doanh dựa trên giá bán thịt lợn trung bình 52.000 đồng/kg, thấp hơn giá hiện tại.
Giá thịt lợn hơi tăng cũng ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Vissan, cho biết giá lợn tăng đẩy chi phí sản xuất lên, nhưng nhu cầu thịt lợn giảm do người dân chuyển sang thực phẩm rẻ hơn. Vissan cân nhắc tăng giá bán và chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ khách hàng.
Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam dự kiến tổng đàn lợn cuối năm 2024 sẽ gấp đôi, đạt 75.000 lợn nái và 800.000 lợn thịt. Chủ tịch HĐQT Trương Sỹ Bá cho biết BAF sẽ xây dựng các trại lớn với vùng đệm đảm bảo an toàn sinh học, phát triển chăn nuôi quy mô lớn và nâng cao năng lực chế biến.
Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, theo Tổng Giám đốc Clemens Tan, đang tối ưu hóa chi phí và chuẩn bị nguồn lực để phát triển, đầu tư vào an toàn dịch bệnh và hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Nguồn cung thịt lợn hiện do các công ty chăn nuôi lớn điều tiết. Khả năng thiếu hụt lợn giống dự báo sẽ kéo dài, giữ giá lợn hơi cao đến cuối năm. Đây là thời điểm vàng cho các doanh nghiệp tái đàn để đón đầu làn sóng tăng giá.